Lịch sử Ký

Không nên xem những tác phẩm ký là kết quả của sự xâm nhập báo chí vào văn học. Trước khi có hoạt động báo chí, trong lịch sử văn học từ nghìn xưa đã có những tác phẩm ký, như Sử ký của Tư Mã Thiên cách đây mấy nghìn năm vừa là tác phẩm sử học vừa có thể coi là ký. Tuy vậy, không thể không thừa nhận báo chí có nhiều tác động đến văn học, tính chất chính luận thời sự và chiến đấu của báo chí cũng đã thâm nhập vào văn học nhất là đối với loại thể ký của nó.

Sáng tác văn học dạng thể ký thường thịnh hành ở các giai đoạn văn học sử ứng với thời kỳ xã hội có khủng hoảng của các quan hệ cũ, nảy sinh một nếp sống mới, làm tăng cường chú ý đến sự miêu tả các thói tục. Có thể thấy những ví dụ sinh động trong nền văn học thế giới biểu hiện rõ rệt điều này: văn học Nga giữa thế kỷ 19 khi sự hỗn loạn xã hội với chế độ nông nô sụp đổ, quý tộc suy đồi, tầng lớp hạ lưu bị bần cùng hóa, ký là một trong những thể loại chủ đạo của văn học; hoặc nước Anh đầu thế kỷ 18 khi các tạp chí châm biếm đăng những bài phác họa chân dung và cảnh sinh hoạt, đã trở thành ngọn nguồn cho sự nở rộ thể ký.

Ở Việt Nam, những tác phẩm ký nổi tiếng cũng đã xuất hiện từ sớm như Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút. Những năm 1930-1945 chứng kiến sự phát triển mạnh của các tác phẩm phóng sự viết về các tệ nạn xã hội, mà Ngô Tất Tố (với Việc làng, Tập án cái đình), Nguyễn Đình Lạp với Ngõ hẻm ngoại ô, Tam Lang với Tôi kéo xe Vũ Trọng Phụng với Vỡ đê v.v. là những nhà văn tiêu biểu. Trong văn học cách mạng, loại thể ký bắt đầu từ sáng tác của Nguyễn Ái Quốc những năm 20 của thế kỷ 20. Sau Cách mạng Tháng Tám đến nay có nhiều tác phẩm ký có giá trị nhất định như Truyện và ký sự của Trần Đăng, Ở rừng của Nam Cao, Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Vỡ tỉnh của Tô Hoài, Sống như anh của Trần Đình Vân, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Những ngày nổi giận của Chế Lan Viên, Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải, Đường lớn của Bùi Hiển, Miền đất lửa của Nguyễn Sinh và Vũ Kì Lân, Rất nhiều ánh lửa của Hoàng Phủ Ngọc Tường v.v.